Thứ Hai, 18 tháng 6, 2007

Giới thiệu tuyển tập Chuyện Người Tù Cải Tạo


Năm 2003, nhật báo Viễn Ðông mở cuộc thi viết “Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo” (CNVTCT), hơn 150 tác giả tham dự cuộc thi này, tuyển tập CNVTCT gồm 3 tập dày trên 1,300 trang được ấn hành trong năm 2004. Sở dĩ dùng chữ “cải tạo” cho đúng với danh xưng của cộng sản đã gọi nhưng thực tế là trại tù khắc nghiệt như những trại tù mà văn hào Alexander Solzhenitsyn mô tả trong các tác phẩm như “Một Ngày Trong Ðời” Ivan Denitsovitch (One Day in The Life of Ivan Denitsovich), Tầng Ðầu Ðịa Ngục (The First Circle), Quần Ðảo Ngục Tù (The Gulag Archipelago)... vào thập niên 50, 60 ở Liên Bang Xô Viết.

Nhà văn Bích Huyền - tác giả Lối Cũ Chẳng Sao Quên, vợ của “Người Tù Cải Tạo” chết ở Vĩnh Phú - viết lời tựa trong tuyển tập CNVTCT: “Dĩ vãng, hai tiếng ấy gợi trong lòng người một ý niệm xa xôi về thời gian. Ba mươi năm, có đủ để coi đó như là dĩ vãng? Nhưng có những chuyện bám chặt lấy da thịt người ta nên chẳng thể xem là dĩ vãng, dù đã qua... đã lâu.

... Cuộc thi Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo được mở ra như khơi lại vết thương chẳng thể lành. Hàng trăm người đã để lòng lắng xuống, quay trở về quảng đới đau thương ấy, hưởng việc làm ý nghĩa của nhật báo Viễn Ðông... ghi lại những dấu tích của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử.

... Nước mất nhà tan, nhưng không có nhà nào đau khổ hơn nhà có người đi cải tạo. Những bữa ăn khoai sắn, bo bo, chan canh bằng nước mắt. Cha mẹ già nua đau ốm, con thơ nhỏ dại... khiến đôi vai người vợ tù cải tạo như oằn xuống. Nhà cửa bị tịch thu, hết lề đường xó chợ đến vùng kinh tế mới sình lầy...

Là người trong ban giám khảo, khi đọc từng mẩu chuyện của người vợ tù, khó cầm được nước mắt, tôi nghĩ tác giả khi hồi tưởng để viết ra cũng vậy... như lời nhà văn Bích Huyền trong ban giám khảo: “Là một người đồng cảnh, không những tôi thông cảm, chia sẻ với câu chuyện... mà còn cảm thấy bàng hoàng tức tưởi nhiều hơn khi thấy nhiều chuyện thương tâm quá, khổ cực quá...” Và độc giả, có thân nhân lâm vào hoàn cảnh đó, khi đọc, lòng chùng xuống với bao nỗi xót xa!

Ðể ghi lại đầy đủ sự kiện lịch sử xảy ra sau chiến tranh Việt Nam, nhật báo Viễn Ðông mở tiếp cuộc thi viết Chuyện Người Tù Cải Tạo. Gần một trăm bài viết xa, gần từ Ontorina, Canada (Trần Bá Ðàm), Alberta, Canada (Nguyễn Văn Ðặng), Hawaii (Ngô Xuân Tâm), Chicago (Thiên Lý), Oregon (Nguyễn Thế Thăng), South Carolina (Nguyễn Ðình Hoài), Florida (Trường Giang), Washington D.C. (Phạm Ngọc Hoàng), Massachusetts (Nguyễn Thanh Ty), Tennessee (Joseph Nguyễn), Pensylvania (Lưu Quang Ðức), Texas (Hoàng Duy Năng), Oklahoma (Lê Xuân Trường), Arizona (Hồ Hoàng Hạ)... đến Bắc, Nam California đã gởi bài về tham dự, ghi lại hình ảnh đau thương, khốn cùng... trong chốn lao tù từ Nam ra Bắc sau Tháng Tư năm 1975 đến cuối năm 1990.

Tuyển tập Chuyện Người Tù Cải Tạo, do nhật báo Viễn Ðông ấn hành vào Tháng Sáu năm 2007 gồm 2 tập, dày trên 850 trang, với 63 bài viết của tác giả là nạn nhân, chứng nhân... trong giai đoạn đen tối của lịch sử đất nước.

Trong ba thập niên qua, có nhiều hồi ký viết lại chốn lao tù với những tác phẩm của Hoàng Liên, Phạm Quang Giai, Hà Thúc Sinh, Tạ Tỵ, Khiết Châu, Nguyễn Huy Hùng, Dương Viết Ðiền... mô tả thân hình ảnh nhà tù mà tác giả trải qua. Với tuyển tập Chuyện Người Tù Cải Tạo được ghi nhận ngắn gọn từng chi tiết, hình ảnh, không gian và thời gian qua mỗi tác giả để nói lên tổng thể của “quần đảo” như tên gọi của văn hào A. Solzhenitsyn, đoạt giải thưởng Văn Chương Nobel năm 1970. Nhờ được giải thưởng Nobel nên độc giả trên thế giới biết được chốn lao tù ở Liên Xô bị bưng bít trong bức màn sắt.

Với nhiều tác giả, không phải là người cầm bút, nhờ cuộc thi viết về chuyện TNCT này để có cơ hội ghi lại tháng ngày đen tối, hình ảnh người đã mất, tấm lòng của người bạn tù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, bất hạnh, cảnh tử sinh mà trải qua bao thập niên còn kinh hoàng trong giấc mơ! Với người thật, cảnh thật, nói lên sự thật... cho thế hệ con em biết được thế hệ đi trước đã vùi chôn cuộc đời qua danh xưng “cải tạo”. Nói như Maurice Maéterlinck: “Quá khứ lúc nào cũng hiển hiện” mà người rơi hoàn hoàn cảnh đau thương, khó thể quên được, nó như chiếc bóng canh cánh với cuộc đời.

Bài viết đầu tiên trong tuyển tập: Niềm Ðau của Nguyễn Hữu Của, và hình ảnh tác giả trong xà kim: “Tôi cố chịu đựng, cơn khát kéo dài dằng dặc. Mắt tôi hoa lên, những giọt mồ hôi bắt đầu rịn ra trên trán, thân thể tôi mỏi nhừ, tay chân tôi rũ liệt không còn muốn cử động. Những vết đau nhức do những trận đòn thù thi nhau kéo về hành hạ thể xác vốn đã rã rời vì khát. Tôi lịm đi lúc nào không hay...” Bài viết cuối cùng trong tuyển tập: Cánh Hoa Tan Tác Của Sinh Ly của Hoài Hương, hình ảnh tác giả vừa mới sinh con đã ngậm ngùi chia cắt để vào trại tù: “Ngày về mừng mừng, tủi tủi, gặp lại mẹ già con thơ. Tóc mẹ đã đầy tuyết sương, con tôi nay đã 3 tuổi, chạy nhảy vô tư như không biết gì hết, chồng tôi vẫn nằm trong ngục tù cải tạo”. Vừa đoàn tụ với mẹ con thì nhận được giấy báo lên phường trình diện nhận lệnh đi khẩn hoang vùng kinh tế mới! “Nghe những câu đó, tôi nghẹn ngào không nói lên lời... Ðầu óc tôi quay cuồng...” rồi hai tuần sau khăn gói quả mướp xuống vùng kinh tế mới để biến “sỏi đá thành cơm”. Trong lao tù, ngoài lao tù... toàn bức tranh đen tối, sống còn để viết lại chia sẻ cho nhau, rất trân quý.

Sau 20 năm “lưu đày biệt xứ”, Tháng Năm năm 1994, nhà văn A. Solzhenitsyn trở về cố hương, những tác phẩm của ông bị cấm trước đây được ấn hành và phổ biến rộng rãi. Mong ước, một ngày nào đó, Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo và Chuyện Người Tù Cải Tạo được phổ biến trong nước để thế hệ tương lai suy ngẫm.

Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào: